Được chưa chắc đã là được, mất chưa chắc đã là mất

Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có một ông lão tên là Hà Mã. Ông có một đứa con trai tuấn tú, khôi ngô, khỏe mạnh tên là Tung Thành. Ông sở hữu một trang trại nuôi hàng trăm con ngựa, trong đó có một con ngựa đẹp và quý nhất đàn. Con ngựa ấy toàn thân màu đỏ rực, giống con Xích Thố ngày xưa Quan Công thường cưỡi.

Không biết bao nhiêu quan lại đến đòi mua con ngựa với giá rất cao. Nhưng con ngựa quá quý hiếm, nên người ta có trả bao nhiêu tiền ông cũng không bán. Ông muốn giữ nó lại làm niềm tự hào cho riêng mình. Và đấy cũng là niềm tự hào của cả dòng họ ông. Người đời vốn nghĩ: Gia đình phải rất tốt mới có thần mã, mới nuôi được thần mã. Riêng đối với ông Hà Mã thì vẫn chưa là gì, nên cho dù người ta có đến khen là ngựa đẹp ông cũng chỉ “ừ” cho qua chuyện mà thôi.

Một sáng thức dậy, tự nhiên đầy tớ hốt hoảng đến báo với ông: “Thầy ơi Thầy! Chết rồi, con Xích Thố nhà mình bị mất rồi”. Thế là cả nhà ông cùng họ hàng hốt hoảng hết cả lên vì con ngựa vốn là niềm tự hào của cả một gia tộc. Mọi người chia nhau đi tìm, tìm mãi mà vẫn không thấy. Riêng ông lão thì vẫn điềm tĩnh: “Mất chưa chắc đã là mất”. Mọi người nghe xong mới bảo nhau: “Thôi rồi! Chắc là có bà vợ tai quái quá, nên ông lão trở thành triết gia rồi”.

Ông lão có một bà vợ rất hung dữ, suốt ngày đánh chửi chồng tên là Mộ An. Thấy ngựa quý mất mà chồng vẫn bình chân như vại, bà vợ sốt ruột réo gọi: “Ông ơi! Đầu óc ông để đi đâu vậy? Mọi người đã bủa khắp nơi đi tìm ngựa rồi, sao ông còn ngồi đây?” Nghe vợ sốt sắng, ông Hà Mã bình thản: “Thứ nhất, mất chưa chắc đã là mất. Thứ hai, nếu mọi người đã đi tìm rồi thì tôi cần gì phải tìm nữa”.

Thế nên ông vẫn ung dung như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi người trong nhà ai nấy đều xót xa, buồn thảm.

Tin lão Hà Mã mất ngựa quý lan ra khắp vùng. Mấy người ghen ghét vợ chồng ông sung sướng đàm tiếu: “Con ngựa quý như vậy, trời cho lại làm mất. Chắc hẳn ăn ở thất đức nên trời không thương”. Những người từng đến năn nỉ ông mua ngựa không được cũng lấy làm thích thú.

Nỗi đau mất ngựa chưa nguôi thì một buổi sáng, bà Mộ An mặt tươi như hoa chạy vào giường thủ thỉ bên tai chồng: “Ông ơi, hóa ra mất không phải là mất ông ạ”.

“Ý bà là sao?”, ông Hà Mã hỏi giọng còn ngái ngủ.

“Con Xích Thố nhà mình nó đi du hí thôi ông à. Nó còn dẫn về một con ngựa cái tuyệt đẹp kia kìa. Hóa ra đến mùa sinh sản, mà trong chuồng ngựa nhà mình không có con nào xứng với nó cả. Thế là nó phá chuồng, chạy vào rừng sâu tìm bạn đời. Ông ra mà xem. Chao ôi, con ngựa cái mới đẹp làm sao! Lông nó trắng như tuyết, chân dài miên man hẳn là chạy nhanh như gió rồi, đúng là “hàng độc”. Tôi quyết định gọi nó là Truy Phong rồi đấy. Phen này thì nhà ta lại nở mày nở mặt rồi ông ơi”.

Việc con Xích Thố đưa Truy Phong trở về khiến cả làng, cả họ nhà ông Hà Mã ai nấy đều vui mừng. Có vẻ như niềm tự hào tăng lên gấp đôi khi con Truy Phong xuất hiện. Khắp làng trên xóm dưới đổ về nhà ông để tận mục sở thị đôi song mã đẹp như tranh vẽ. Xích Thố một màu đỏ rực, Truy Phong mình trắng như tuyết, hai con sóng đôi nhau thật là một cảnh tượng hết sức đẹp mắt. Người làng người nước ai nấy nhìn qua cũng phải thốt lên lời khen ngợi. Đến quan lại trong triều cũng kéo nhau đến xem và không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của cặp ngựa quý.

Những người vốn đã ghen tị với ông lão nay lại chướng tai gai mắt thêm: “Có mỗi hai con ngựa thì làm gì mà cứ rầm rộ lên thế. Có cho tôi cũng chẳng thèm”. Còn những người bình thường bảo nhau: “Hóa ra ông này nghiệp tốt rất nhiều nên trời thương. Ông ấy chả mất gì mà lại được cả Xích Thố lẫn Truy Phong”. Trong khung cảnh nhộn nhịp như vậy, ai cũng nghĩ ông phải lấy làm tự hào lắm thì ông lại thản nhiên nói: “Được chưa chắc đã là được”.

Về phần mình, bà Mộ An nở mày nở mặt vì cặp ngựa quý. Mặc dù bận bịu nhận quà cáp, lễ vật từ khách tham quan, nhưng bà rất đỗi vui mừng. Buổi tối mới rảnh rang một chút, bà Mộ An mới hỏi chồng: “Trong khi người nhà ai nấy đều vui như mở hội, tôi thấy ông cứ dửng dưng như không?”

Bấy giờ, ông Hà Mã mới thủng thẳng: “Để rồi xem. Được chưa chắc đã là được”.

Một thời gian sau, Xích Thố và Truy Phong phối giống đẻ ra một con ngựa con có bộ lông màu hồng đẹp không thể nghĩ bàn. Chưa từng ai nhìn thấy một con ngựa hiếm như vậy. Đã thế ban đêm toàn thân con ngựa con còn phát ra ánh sáng trắng bạc rất kỳ diệu. Giống ngựa ấy người ta gọi là Ngọc Dạ Quang, một loại ngựa vô cùng hiếm có trên đời.

Tin nhà ông Hà Mã có ngựa quý Ngọc Dạ Quang truyền đi rất nhanh. Ba tỉnh xung quanh nô nức như trẩy hội về nhà ông Hà Mã ngắm Ngọc Dạ Quang. Bà Mộ An thì tha hồ thu tiền vé vào cửa xem triển lãm ngựa. Bà tự đắc bảo chồng:

“Ông thấy chưa, bây giờ thì tôi đã chứng minh cho ông: “Được chính là được”. Ông từng bảo “được chưa chắc đã là được” đúng không? Bây giờ ông đã mở mắt ra chưa? Chúng ta đã có ngựa Truy Phong lại thêm cả Ngọc Dạ Quang, nên được lại thêm được”.

Ông lão vẫn không suy suyển gì. Ông nói: “Bà cứ để xem”.

Ngựa Ngọc Dạ Quang và Tung Thành cùng lớn lên bên nhau. Năm Tung Thành lên 16 thì con ngựa cũng vừa tròn 5 tuổi. Chúng như hai người bạn thân, lúc nào cũng gắn bó không rời. Mỗi khi Tung Thành cưỡi con Ngọc Dạ Quang đi dạo quanh vùng, những cô gái đến tuổi cập kê đều vô cùng ngưỡng mộ. Họ xì xào với nhau: “Tung Thành đã đẹp trai, con nhà quyền quý, lại cưỡi Ngọc Dạ Quang, còn ai trong vùng sánh bằng!” Các cô ngày đêm mơ tưởng đến một ngày Tung Thành cưỡi tuấn mã Ngọc Dạ Quang đến rước mình.

Sau nhiều năm không có biến cố gì, một hôm, bà Mộ An lại lôi chuyện cũ ra nói với Hà Mã: “Đấy nhé. Ông cứ nói triết lý. Triết lý cái gì? Từ hồi con ngựa mất đi rồi quay trở về, nhà ta giàu hẳn lên này. Rồi lại có thêm con Ngọc Dạ Quang. Con trai chúng ta mấy năm nữa rồi sẽ được rất nhiều quan lớn trong vùng muốn gả con gái cho mà xem. Ông thấy chưa? Được chỉ thêm được mà thôi!”

Hà Mã bỏ ngoài tai những lời vợ nói. Vì có cãi lý, Mộ An lại cho là cãi vợ, lại đánh cho. Nên thôi, chả nói gì nữa cho yên thân.

Một hôm, Hà Mã đang ung dung ngồi uống trà thì bà vợ chạy sầm sầm vào than khóc: “Thôi chết rồi ông ơi! Thằng cu nhà mình, thằng Tung Thành nhà mình, nó ngã ngựa rồi… gãy chân rồi… ngã ngựa gãy chân rồi. Nếu bình thường nó cưỡi con ngựa khác thì không sao, những con ngựa ấy chạy chậm, có ngã chắc cũng bình thường thôi. Đằng này, nó lại cưỡi con Ngọc Dạ Quang chạy như gió ấy. Mà ban ngày thì không nói làm gì, nó lại đi cưỡi con Ngọc Dạ Quang vào ban đêm qua nhà mấy tiểu thư. Nó chủ quan là con ngựa phát sáng được, ai ngờ… Ôi giời ơi, sao tôi khổ thế này! Giờ thì ngã ngựa, gãy chân rồi. Thế có khổ không cơ chứ? Gãy hẳn cái chân, phải cắt bỏ rồi ông ơi!”

Ông Hà Mã mặt vẫn tỉnh bơ, nói: “Mất chưa chắc đã là mất”. Bà Mộ An rầu rĩ thấy chồng nói vậy bèn quát lớn: “Sao ông lại nói thế? Con thì rõ là đã mất chân rồi mà ông còn nói giọng đó được?”

Nói xong, Mộ An bực mình bỏ đi. Bà buồn bã quá không còn đem trưng bày Ngọc Dạ Quang thu tiền nữa, mà chỉ lo chăm sóc cho con.

Vào năm ấy, quân Mông Cổ đánh chiếm Trung Quốc. Triều đình nhà Tống bị đánh tơi bời, thua liểng xiểng. Cuối cùng, triều đình ban chiếu chỉ tổng động viên cả nước: Toàn bộ thanh niên trai tráng bất kể là ai, xuất thân thế nào, từ 16 tuổi trở lên đều phải ra trận.

Chiếu chỉ được ban ra, tất cả đàn ông trong vùng từ thường dân đến con quan đều phải ra trận hết. Hầu như là chết cả. Riêng về phần Tung Thành vì cụt mất một chân, nên không bị bắt đi lính. Thế là một cách đường hoàng, Tung Thành nhởn nhơ ở nhà hưởng thụ gia tài của bố.

Mộ An lại về so tay, nói với Hà Mã: “Công nhận ông thật biết nhìn xa trông rộng. Tung Thành nó mà không ngã ngựa quả đấy thì thôi rồi. Vợ chồng mình lại chả mất đứa con duy nhất. Bây giờ nó cứ ở nhà mà hưởng thụ cuộc đời trong khi tất cả những đứa đồng trang lứa với nó phải ra trận hết.

Từ khi bị cụt chân, chẳng đứa con gái nào thèm đoái hoài đến Tung Thành. Nhưng giờ thì tốt rồi. Cả vùng kiếm đâu ra con trai. Đến quan tể tướng cũng muốn gả con gái cho nó đấy ông ạ. Quan tể tướng thì nhà giàu, quyền uy lắm, nên chắc là mình không từ chối được. Nhưng mà tôi rất vui vì có ông thông gia tể tướng”.

Nhìn bà vợ không giấu nổi vẻ mặt sung sướng, ông Hà Mã lại thủng thẳng: “Được chưa chắc đã là được!”

Con gái Tể Tướng tên là Ngân Hoa vô cùng xinh đẹp nhưng nổi tiếng dữ dằn. Mới đầu, quan tể tướng không muốn gả ái nữ cho nhà ông Hà Mã. Nhưng suy đi tính lại, tể tướng thấy có mỗi nhà ông này là môn đăng hộ đối nhất. Những nhà khác thì trai tráng ra trận chết gần hết rồi, còn lại mỗi ông già, trẻ nhỏ ở nhà. Có mỗi nhà Hà Mã với Mộ An có đứa con là Tung Thành. Tuy bị cụt chân nhưng dù sao vẫn thuộc hàng giàu có và quyền quý. “Quan trọng nhất, Tung Thành nó vẫn là đàn ông”, quan Tể Tướng suy nghĩ.

Đám cưới diễn ra vô cùng linh đình, giết gà mổ lợn mấy chục ngày đêm liền. Do lấy con gái nhà Tể tướng nên Tung Thành phải ở rể. Sau đám cưới, Tung Thành từ biệt cha mẹ lên kinh thành để sống với vợ chứ không được ở với cha mẹ nữa. Cuộc sống hai vợ chồng lúc bắt đầu vô cùng hạnh phúc. Nhà thì giàu, danh tiếng lớn, muốn làm gì cũng được.

Thế nhưng, “được chưa chắc đã là được”. Ban đầu Tung Thành và Ngân Hoa quấn quýt như đôi uyên ương. Nhưng do xuất thân của cả hai đều là cậu ấm, cô chiêu nên mỗi lần cãi cọ không ai chịu ai. Ngân Hoa nghĩ mình đúng, còn Tung Thành thấy mình oách, thành ra tình cảm vợ chồng cũng theo đó mà rạn nứt. Tung Thành lại trong thế đi ở rể, nên thành thử, lúc nào cũng là người lép vế. Sau chừng 5 năm chung sống, Tung Thành chỉ muốn đi tu.

Trong kinh thành có ngôi chùa tên là Bảo Quốc Tự. Mỗi lần chán đời, Tung Thành lại tìm đến vị đại sư tu hành tinh tấn để giãi bày. Trải nghiệm cuộc sống vợ chồng từ lúc còn thăng hoa, mặn nồng đi đến chỗ rạn nứt, Tung Thành dần nhận ra sự vô thường của cuộc đời nên chỉ một lòng hướng Phật. Cho đến một ngày, chàng nằng nặc đòi bố mẹ vợ cho lên chùa đi tu, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, cả người vợ xinh đẹp của mình.



Thấy vậy, quan tể tướng tức giận lắm. Ông nghĩ bụng: “Con rể một hai đòi đi tu chứng tỏ nhà mình phải kinh tởm lắm. Như thế còn gì là thể diện!” Ông bực tức lắm mà Tung Thành lại đi tu rồi nên cơn thịnh nộ trong lòng Tể tướng đổ hết lên đầu bố mẹ chàng.

Tể tướng lập mưu, tính kế vu oan cho nhà ông lão Hà Mã buôn lậu. Gia đình bị tịch thu hết tài sản, Hà Mã đang từ một người rất giàu có bỗng chốc trở thành một kẻ khốn cùng.

Mộ An đến gặp Hà Mã mếu máo: “Tôi cứ tưởng con mình lấy được con quan tể tướng là may. Ai dè bây giờ, chính vì thế mà mình bị hãm hại, mất sạch cả gia tài”.

Hà Mã điềm nhiên nói: “Mất chưa chắc đã là mất. Trong họa có phúc, trong phúc có họa. Họa phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy ta không thể nhìn thấy ngay được, nhưng ta có thể nhìn thấy cái hậu quả của nó”.

Bấy giờ, bà Mộ An mới ôm chồng mà khóc: “Mấy chục năm đầu ấp má kề, vậy mà cho đến lúc gần đất xa trời và khốn cùng nhất, tôi mới thấy cái “được” khi lấy được một ‘triết gia’ như ông”.

Ông Hà Mã nhìn vợ trìu mến: “Được chưa chắc đã là được!”
1 0 13,850 10
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết