Đi Qua Mùa Gió Thổi
Đi qua mùa gió thổi
Chị bấu chặt vào cánh cửa, nhìn anh. Đôi mắt ngỡ ngàng pha lẫn hạnh phúc – thứ hạnh phúc chỉ có ở những người đã từng chờ đợi nhau hơn hai mươi năm ròng mới hiểu...
***
Hai mươi hai năm trước, chị còn là cô thiếu nữ sinh ra ở một miền quê nhiều nắng gió và nghèo. 18 tuổi, theo nguyện vọng của mẹ, chị ngậm ngùi gác lại giấc mơ kiến trúc, thi vào sư phạm. Thế nhưng chị vẫn thường trốn sang trường kiến trúc chơi, cũng dựng giá đỡ, cũng vẽ vời như thật. Rồi chị gặp anh, chàng sinh viên kiến trúc có mái tóc bồng bềnh nhưng trong đôi mắt kiên nghị lại chẳng chút bóng dáng lãng tử nào. Trong buổi giao lưu sinh viên đầu khóa, ngẫu nhiên, hai ánh mắt chạm nhau giữa đám đông, trong tiếng rock chát chúa. Rồi yêu. Anh chỉ hơn chị hai tuổi nhưng đĩnh đạc. Bên anh, chị có cảm giác được chở che. Chị như chiếc bóng lẻ giữa đời. Anh đến là cơn gió mát thổi sâu vào tâm hồn chị.
Nghỉ hè năm 3 chị đưa anh về quê "ra mắt". Anh phải nói dữ lắm chị mới đồng ý cho anh về nhà. Chị sợ bao nhiêu thứ ngăn cách giữa chị và anh. Anh phẩy tay, kéo chị chạy băng băng qua con đường xẻ giữa cánh đồng mênh mông. Anh cười như đứa trẻ, xắn quần quá gối, lội ruộng hái mấy nhánh lúa thơm lừng mùi sữa dúi vào tay chị. Mẹ chị cứ lo, anh công tử nhà giàu nên không hợp sống ở quê, đã vậy còn là quê nghèo. Anh chẳng nói chẳng rằng, cứ phăm phăm bắt chước mẹ chị đi đặt đơm, mò cua, bắt ốc đầy thích thú. ngày về là bấy nhiêu ngày anh đi chân đất dọc đường quê, tự tay lợp từng miếng liếp, đóng từng cái chân bàn riệu rã. Mẹ chị cứ nhìn anh cười miết miết. Cuối cùng thì ngôi nhà này cũng đã ấm lên bằng hơi thở của đàn ông.
***
Chờ chị tốt nghiệp rồi anh mới dẫn chị về ra mắt mẹ anh. Chị run lẩy bẩy như đứa trẻ lần đầu đến trường. Nếu không có anh siết chặt tay, có lẽ chị đã không can đảm đặt chân vào ngôi nhà có cánh cổng sắt lạnh băng và ảo não. Thế nhưng dù có anh, chị cũng không thể nào được đường hoàng bước qua cánh cổng ấy lần nữa. Mẹ anh không thể dứt bỏ mối hận ám ảnh với nghề giáo. Ngày xưa ba bỏ mẹ con anh (lúc ấy anh mới 2 tuổi đầu) để xây dựng gia đình với cô giáo trong làng. Mẹ nhìn chị rất lâu bằng quãng ký ức mù mịt đó và lắc đầu: "Không".
Cánh cổng sắt nặng nề khép lại sau lưng như đóng sẵn nắm mồ chôn chặt tuổi xuân của chị. Anh đứng đó, đau đớn nhìn chị lao đi trong màn mưa. Anh không thể đặt mẹ và chị lên bàn cân để đong đếm. Anh không chọn lựa được dù anh biết rằng anh có một đứa con sắp chào đời, và điều đó sẽ ám ảnh anh suốt đời. Anh nhắm mắt. Giọt nước cuộc đời xám ngoét chảy ngược vào lòng. Vậy là anh đánh mất chị.
***
Về sau, ngay cả khi cố nhớ, chị cũng không biết sao chị và mẹ có thể đi qua những ngày tháng ao tù đó. Mỗi khi đứa trẻ quẫy đạp trong bụng chị lại cắn răng quên đi, không dám nâng niu niềm hạnh phúc được làm mẹ. Chỉ cần nghĩ đến đứa trẻ thôi là cả một vùng ký ức dữ dội ào về. Sẽ nhớ đến anh, đến mẹ anh, đến nỗi thèm khá được xóa sạch, được quên hết đi, nhẹ bẫng, như cái chết chẳng hạn. Nhưng chết thì dễ, sống mới khó. Thế nên, chị-phải-sống.
Chị ngày càng lầm lũi thêm mỗi khi thấy anh thường lặng lẽ tìm đến căn nhà cô độc của mình, nhìn chị bình yên bên tã, áo, tất, khăn rồi đi. Đôi khi, có những người dù yêu thương nhau rất nhiều nhưng họ có một số phận cách xa nhau. Chị tin giữa chị và anh tồn tại số phận khó chấp nhận đó. Nhưng chỉ cần còn được bình lặng nhìn thấy nhau, chị sẽ còn sống được với điều đó, đến khi chị sinh con, rồi con chị lớn. Rồi sẽ phải có một lúc nào đó chị sẽ tìm được một số phận ở gần anh.
Chị chỉ giữ được niềm tin đó đến khi đứa con chào đời. Mẹ anh đến hàng ngày trong thời gian chị ở cữ, răn đe, van xin, tìm mọi cách để tách cậu con trai kháu khỉnh, giống anh như tạc ra khỏi chị, như đã từng dùng uy quyền và nỗi khổ đau của bà để chia cắt chị và anh. Chị không hiểu được những người đàn bà đã từng bị phản bội. Ở họ, ở mẹ anh, có một sức mạnh huyền bí nào đó khiến họ một mực phải giữ chặt lấy điều họ đang có.
– Xin con! Hãy để cả nó và con nó được yên! Con có quyền sống một cuộc đời tự do theo ý con!
Chị rời khỏi ngôi nhà, rời khỏi anh, rời khỏi nỗi tuyệt vọng ám ảnh người mẹ của anh. Mẹ tuồn tay vào trong tóc chị bảo rằng mọi thứ sẽ qua đi. Còn với chị, qua đi không biết có đồng nghĩa với chết hay không?
***
Mẹ chị kết thúc những tháng ngày yên bình trong lòng đất cao nguyên. Chị còn lại một mình trong căn nhà lát gạch hoa màu xanh lá khang trang. Thấy chị đơn chiếc, vài người đàn ông quá lứa lui tới nhà chị, gửi gắm những ý định chân tình và giản dị. Với ai chị cũng chỉ nghe nói suốt, cười suốt và rồi từ chối suốt. Chị không biết mình còn mong đời điều gì. Chỉ đơn giản là chị muốn mình giữ được mãi sự thăng bằng giúp chị sống sót từ ngày anh rời bỏ chị, từ ngày con trai bị đưa đi xa chị. Không cần thay đổi điều gì nữa cả.
**
Chiều nay trường chị đón một đoàn giáo sinh về thực tập. Trong cơn mưa nặng gió đầu mùa, chị đứng im, tím tái nhìn cậu bé trưởng đoàn đang háo hức với thầy hiệu trưởng.
– Dạ, sau khi sắp xếp chỗ ăn ở, nhất định thầy phải dẫn con đến gặp cô Duyên nha thầy, nha thầy!
Chị quay đi, chạy biến vào màn mưa gió phũ phàng. Chị không dám đứng lại, không dám bước tới để đối diện với thằng bé, bản sao của anh hai mươi năm về trước. Biết đâu cái nhìn của chị đã sáng suốt? Biết đâu mọi chuyện giờ đã khác? Và còn muôn vàn cái biết đâu nữa chị giăng đầy ra trên những lối cây rừng tối mù. Suy cho cùng, quá khứ vẫn là gánh nặng khó trút bỏ, khó lường định nhất.
Chị báo ốm, xin nghỉ suốt một tuần để tránh mặt thằng bé. Nó tìm đến nhà. Chị đóng cửa tắt đèn như đi vắng. Sáng tinh mơ, chị len ra rẫy tưới cà, vấp chân cậu giáo sinh nằm co ro ngay thềm nhà, khắp người phủ đầy vải bạt, bao đựng cà . Nó gãi đầu, trở người sang bên kia, nói mớ.
– Mẹ. Mẹ đừng bỏ con. Đừng bỏ con...
Chị gục xuống ôm thằng bé. Nó bừng tỉnh, líu ríu quíu chặt lấy chị, giọng ngái ngủ lào khào, cuống quýt.
– Con... là con đây...
***
Gió thổi tung những cánh hoa rừng vừa chớm nụ. Gió như cánh tay trần buốt lạnh mơn man trên những ngọn đồi xanh cỏ. Triền núi còn mờ trong sương, tiếng gà rừng thi thoảng gáy xua tan sự tĩnh mịch. Chị lần ra cửa, đứng đó nhìn miết vào dáng người gầy dong dỏng đi lên từ dưới chân dốc.
Là anh – anh của ngày xưa với đôi mắt vời vợi xa xôi nhưng lại gần quá đỗi. Anh bằng thịt bằng xương đang đứng đó, trong cái lạnh đầu thu, trong những cơn gió thổi qua sự xót xa, đưa bàn tay cố đỡ lấy chị. Phải chăng chỉ là một cơn mơ? Cơn mơ của một người đã chờ đợi hơn 22 năm qua. Nếu chỉ là một giấc mơ thì mãi mãi, chị ước mình sẽ không bao giờ tỉnh.
Đêm ấy, trong gian nhà lửa ấm, có bóng ba người lặng lẽ ôm nhau thổn thức.
Anh đưa chị xuống núi. Bước chân chị bên anh líu ríu như trẻ con vừa tập đi. Cũng phải thôi, con đường hạnh phúc này vắng mặt chị lâu quá rồi. Ngôi nhà có cánh cổng sắt nặng nề của anh cũng đã vắng bóng mẹ anh lâu lắm rồi. Thắp nén nhang cho người quá cố, chị khẽ nép vào lòng anh, thì thầm:
– Mẹ có thể chúc phúc cho bọn con không mẹ?
Không có tiếng trả lời. Nhưng hôm đó thành phố đột nhiên nhiều gió đến nỗi chẳng ai nghe rõ những gì họ nói với nhau. Chỉ có giọt nước mắt nhẹ hẫng, tan vào gió, bay đi...
Diệu Hạnh
Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Chị bấu chặt vào cánh cửa, nhìn anh. Đôi mắt ngỡ ngàng pha lẫn hạnh phúc – thứ hạnh phúc chỉ có ở những người đã từng chờ đợi nhau hơn hai mươi năm ròng mới hiểu...
***
Hai mươi hai năm trước, chị còn là cô thiếu nữ sinh ra ở một miền quê nhiều nắng gió và nghèo. 18 tuổi, theo nguyện vọng của mẹ, chị ngậm ngùi gác lại giấc mơ kiến trúc, thi vào sư phạm. Thế nhưng chị vẫn thường trốn sang trường kiến trúc chơi, cũng dựng giá đỡ, cũng vẽ vời như thật. Rồi chị gặp anh, chàng sinh viên kiến trúc có mái tóc bồng bềnh nhưng trong đôi mắt kiên nghị lại chẳng chút bóng dáng lãng tử nào. Trong buổi giao lưu sinh viên đầu khóa, ngẫu nhiên, hai ánh mắt chạm nhau giữa đám đông, trong tiếng rock chát chúa. Rồi yêu. Anh chỉ hơn chị hai tuổi nhưng đĩnh đạc. Bên anh, chị có cảm giác được chở che. Chị như chiếc bóng lẻ giữa đời. Anh đến là cơn gió mát thổi sâu vào tâm hồn chị.
Nghỉ hè năm 3 chị đưa anh về quê "ra mắt". Anh phải nói dữ lắm chị mới đồng ý cho anh về nhà. Chị sợ bao nhiêu thứ ngăn cách giữa chị và anh. Anh phẩy tay, kéo chị chạy băng băng qua con đường xẻ giữa cánh đồng mênh mông. Anh cười như đứa trẻ, xắn quần quá gối, lội ruộng hái mấy nhánh lúa thơm lừng mùi sữa dúi vào tay chị. Mẹ chị cứ lo, anh công tử nhà giàu nên không hợp sống ở quê, đã vậy còn là quê nghèo. Anh chẳng nói chẳng rằng, cứ phăm phăm bắt chước mẹ chị đi đặt đơm, mò cua, bắt ốc đầy thích thú. ngày về là bấy nhiêu ngày anh đi chân đất dọc đường quê, tự tay lợp từng miếng liếp, đóng từng cái chân bàn riệu rã. Mẹ chị cứ nhìn anh cười miết miết. Cuối cùng thì ngôi nhà này cũng đã ấm lên bằng hơi thở của đàn ông.
***
Chờ chị tốt nghiệp rồi anh mới dẫn chị về ra mắt mẹ anh. Chị run lẩy bẩy như đứa trẻ lần đầu đến trường. Nếu không có anh siết chặt tay, có lẽ chị đã không can đảm đặt chân vào ngôi nhà có cánh cổng sắt lạnh băng và ảo não. Thế nhưng dù có anh, chị cũng không thể nào được đường hoàng bước qua cánh cổng ấy lần nữa. Mẹ anh không thể dứt bỏ mối hận ám ảnh với nghề giáo. Ngày xưa ba bỏ mẹ con anh (lúc ấy anh mới 2 tuổi đầu) để xây dựng gia đình với cô giáo trong làng. Mẹ nhìn chị rất lâu bằng quãng ký ức mù mịt đó và lắc đầu: "Không".
Cánh cổng sắt nặng nề khép lại sau lưng như đóng sẵn nắm mồ chôn chặt tuổi xuân của chị. Anh đứng đó, đau đớn nhìn chị lao đi trong màn mưa. Anh không thể đặt mẹ và chị lên bàn cân để đong đếm. Anh không chọn lựa được dù anh biết rằng anh có một đứa con sắp chào đời, và điều đó sẽ ám ảnh anh suốt đời. Anh nhắm mắt. Giọt nước cuộc đời xám ngoét chảy ngược vào lòng. Vậy là anh đánh mất chị.
***
Về sau, ngay cả khi cố nhớ, chị cũng không biết sao chị và mẹ có thể đi qua những ngày tháng ao tù đó. Mỗi khi đứa trẻ quẫy đạp trong bụng chị lại cắn răng quên đi, không dám nâng niu niềm hạnh phúc được làm mẹ. Chỉ cần nghĩ đến đứa trẻ thôi là cả một vùng ký ức dữ dội ào về. Sẽ nhớ đến anh, đến mẹ anh, đến nỗi thèm khá được xóa sạch, được quên hết đi, nhẹ bẫng, như cái chết chẳng hạn. Nhưng chết thì dễ, sống mới khó. Thế nên, chị-phải-sống.
Chị ngày càng lầm lũi thêm mỗi khi thấy anh thường lặng lẽ tìm đến căn nhà cô độc của mình, nhìn chị bình yên bên tã, áo, tất, khăn rồi đi. Đôi khi, có những người dù yêu thương nhau rất nhiều nhưng họ có một số phận cách xa nhau. Chị tin giữa chị và anh tồn tại số phận khó chấp nhận đó. Nhưng chỉ cần còn được bình lặng nhìn thấy nhau, chị sẽ còn sống được với điều đó, đến khi chị sinh con, rồi con chị lớn. Rồi sẽ phải có một lúc nào đó chị sẽ tìm được một số phận ở gần anh.
Chị chỉ giữ được niềm tin đó đến khi đứa con chào đời. Mẹ anh đến hàng ngày trong thời gian chị ở cữ, răn đe, van xin, tìm mọi cách để tách cậu con trai kháu khỉnh, giống anh như tạc ra khỏi chị, như đã từng dùng uy quyền và nỗi khổ đau của bà để chia cắt chị và anh. Chị không hiểu được những người đàn bà đã từng bị phản bội. Ở họ, ở mẹ anh, có một sức mạnh huyền bí nào đó khiến họ một mực phải giữ chặt lấy điều họ đang có.
– Xin con! Hãy để cả nó và con nó được yên! Con có quyền sống một cuộc đời tự do theo ý con!
Chị rời khỏi ngôi nhà, rời khỏi anh, rời khỏi nỗi tuyệt vọng ám ảnh người mẹ của anh. Mẹ tuồn tay vào trong tóc chị bảo rằng mọi thứ sẽ qua đi. Còn với chị, qua đi không biết có đồng nghĩa với chết hay không?
***
Mẹ chị kết thúc những tháng ngày yên bình trong lòng đất cao nguyên. Chị còn lại một mình trong căn nhà lát gạch hoa màu xanh lá khang trang. Thấy chị đơn chiếc, vài người đàn ông quá lứa lui tới nhà chị, gửi gắm những ý định chân tình và giản dị. Với ai chị cũng chỉ nghe nói suốt, cười suốt và rồi từ chối suốt. Chị không biết mình còn mong đời điều gì. Chỉ đơn giản là chị muốn mình giữ được mãi sự thăng bằng giúp chị sống sót từ ngày anh rời bỏ chị, từ ngày con trai bị đưa đi xa chị. Không cần thay đổi điều gì nữa cả.
**
Chiều nay trường chị đón một đoàn giáo sinh về thực tập. Trong cơn mưa nặng gió đầu mùa, chị đứng im, tím tái nhìn cậu bé trưởng đoàn đang háo hức với thầy hiệu trưởng.
– Dạ, sau khi sắp xếp chỗ ăn ở, nhất định thầy phải dẫn con đến gặp cô Duyên nha thầy, nha thầy!
Chị quay đi, chạy biến vào màn mưa gió phũ phàng. Chị không dám đứng lại, không dám bước tới để đối diện với thằng bé, bản sao của anh hai mươi năm về trước. Biết đâu cái nhìn của chị đã sáng suốt? Biết đâu mọi chuyện giờ đã khác? Và còn muôn vàn cái biết đâu nữa chị giăng đầy ra trên những lối cây rừng tối mù. Suy cho cùng, quá khứ vẫn là gánh nặng khó trút bỏ, khó lường định nhất.
Chị báo ốm, xin nghỉ suốt một tuần để tránh mặt thằng bé. Nó tìm đến nhà. Chị đóng cửa tắt đèn như đi vắng. Sáng tinh mơ, chị len ra rẫy tưới cà, vấp chân cậu giáo sinh nằm co ro ngay thềm nhà, khắp người phủ đầy vải bạt, bao đựng cà . Nó gãi đầu, trở người sang bên kia, nói mớ.
– Mẹ. Mẹ đừng bỏ con. Đừng bỏ con...
Chị gục xuống ôm thằng bé. Nó bừng tỉnh, líu ríu quíu chặt lấy chị, giọng ngái ngủ lào khào, cuống quýt.
– Con... là con đây...
***
Gió thổi tung những cánh hoa rừng vừa chớm nụ. Gió như cánh tay trần buốt lạnh mơn man trên những ngọn đồi xanh cỏ. Triền núi còn mờ trong sương, tiếng gà rừng thi thoảng gáy xua tan sự tĩnh mịch. Chị lần ra cửa, đứng đó nhìn miết vào dáng người gầy dong dỏng đi lên từ dưới chân dốc.
Là anh – anh của ngày xưa với đôi mắt vời vợi xa xôi nhưng lại gần quá đỗi. Anh bằng thịt bằng xương đang đứng đó, trong cái lạnh đầu thu, trong những cơn gió thổi qua sự xót xa, đưa bàn tay cố đỡ lấy chị. Phải chăng chỉ là một cơn mơ? Cơn mơ của một người đã chờ đợi hơn 22 năm qua. Nếu chỉ là một giấc mơ thì mãi mãi, chị ước mình sẽ không bao giờ tỉnh.
Đêm ấy, trong gian nhà lửa ấm, có bóng ba người lặng lẽ ôm nhau thổn thức.
Anh đưa chị xuống núi. Bước chân chị bên anh líu ríu như trẻ con vừa tập đi. Cũng phải thôi, con đường hạnh phúc này vắng mặt chị lâu quá rồi. Ngôi nhà có cánh cổng sắt nặng nề của anh cũng đã vắng bóng mẹ anh lâu lắm rồi. Thắp nén nhang cho người quá cố, chị khẽ nép vào lòng anh, thì thầm:
– Mẹ có thể chúc phúc cho bọn con không mẹ?
Không có tiếng trả lời. Nhưng hôm đó thành phố đột nhiên nhiều gió đến nỗi chẳng ai nghe rõ những gì họ nói với nhau. Chỉ có giọt nước mắt nhẹ hẫng, tan vào gió, bay đi...
Diệu Hạnh
Team Uống Trà Thôi sưu tầm