Những vùng trà nổi tiếng của Việt Nam

Theo nhiều nghiên cứu chứng minh, không có loại trà nào là ngon nhất, chỉ có thói quen thưởng thức, văn hóa uống trà của từng vùng đất mới là yếu tố quyết định xem đâu là loại trà mang lại nhiều cảm hứng nhất. Dọc theo chiều dài đất nước, hình ảnh cây trà Việt Nam ghi dấu sâu đậm bởi thổ nhưỡng của từng vùng trà, bởi lối sống và thói quen canh tác, mang đến những nét riêng đậm đà hồn Việt.

Cây chè là loại cây có khả năng thích nghi và phát triển cao, sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Đặc biệt là trong điều kiện khí hậu cận nhiệt đới như ở Việt Nam, có nhiệt độ giao động từ 23 - 40°C.

Theo nhiều nghiên cứu, nhiệt độ quang hợp lý tưởng nhất cho cây chè là từ 16°C - 28°C. Sự biến động của nhiệt không quá nhiều, lượng mưa lớn thúc đẩy sự phát triển và ảnh hưởng đến các hàm lượng dưỡng chất của lá trà. Hiện tại, chè được trồng và phát triển ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, ước tính sản lượng hằng năm có thể đạt từ 4 - 6 triệu tấn. Các nước có sản lượng lớn, cùng chất lượng được thế giới công nhận hiện nay bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, Nhật Bản.

Mỗi quốc gia sẽ có những đặc trưng riêng về hương vị, chất lượng tùy thuộc vào phương pháp chế biến, quy trình chăm sóc. Trong đó, Việt Nam nổi tiếng với những loại trà được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo phương pháp cổ truyền, mang lại hương vị nhẹ nhàng, thanh khiết được nhiều người yêu thích.

Tại Việt Nam, trà được bắt nguồn từ những địa phương phía Bắc giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ vào việc phát triển có quy hoạch, hiện nay đã có hơn một nửa số tỉnh trên cả nước trồng và khai thác. Các vùng như Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam là nơi tập trung trồng nhiều nhất, ngoài ra khu vực Tây Nguyên và Lâm Đồng cũng nổi tiếng với các loại trà ngon. Bên cạnh những địa phương được quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu, thì cũng có những nơi mà cây chè được người dân trồng hoang vẫn rất nổi tiếng nhờ vào hương vị trà độc đáo tại các tỉnh như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang.

Ngày nay những vùng đất chè nổi tiếng của Việt Nam đã đem đến hàng loạt thương hiệu chè chất lượng, được ưa chuộng trong và ngoài nước. Không những thế đây còn là điểm đến tuyệt đẹp của những ai yêu thích du lịch và khám phá. Chúng ta tự hào với những giống trà hảo hạng nổi tiếng, xuất phát từ những vùng trồng trà nổi tiếng - nơi may mắn làm sao, được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tuyệt vời để sản xuất trà ngon.

Thái Nguyên - “Đệ nhất danh trà”

Có tổng diện tích trồng và khai thác khoảng 20.000 ha, Thái Nguyên là nơi cung cấp nguồn trà lớn nhất của Việt Nam, từ sản lượng cho đến chất lượng. Ở đây, cây chè được trồng, chăm sóc theo phương thức cổ truyền, cùng với quy trình thu hoạch và chế biến theo cách thức truyền thống đảm bảo giữ được mùi vị, màu sắc đặc trưng của từng lá tà. Trà xanh truyền thống Thái Nguyên nổi tiếng có hương vị thơm, vị đầu lưỡi đắng, hậu vị ngọt, mà sắc đẹp được nhiều người yêu thích.

Nơi đây trải dài với những nương chè bao la, xanh mướt. Những cánh đồng chè được nuôi dưỡng bởi điều kiện tự nhiên, đất đai trồng trọt rất lý tưởng. Trải qua hàng trăm năm, vị thế trà Thái Nguyên trên bản đồ trà Việt là không gì bàn cãi. Hầu như người miền Bắc khi uống trà đều lựa chọn Thái Nguyên để thưởng thức.

Nổi tiếng nhất trong các vùng trồng trà Thái Nguyên là xã Tân Cương với loại trà nõn tôm cao cấp. Địa thế đồi núi phù hợp để phát triển cây chè, cho được mùi trà thơm ngọt, rất dễ chịu.

Tây Bắc - nơi sản sinh ra những giống trà núi cao nổi tiếng

Rẻo cao Tây Bắc không chỉ làm say lòng người lữ khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng tráng, vẻ đẹp bất tận của dãy Hoàng Liên Sơn mà còn ẩn giấu thức quà trân quý: Trà Tây Bắc ấp ủ hương vị núi rừng.

Có thể nói, Tây Bắc là cái nôi của trà thế giới. Những áng sương mù lãng đãng bao phủ tận miền núi cao, từ khi nào mọc lên những cây trà nguyên sinh có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi, cho được những búp trà đặc biệt với hương vị không thể nhầm lẫn. Khắp các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, luôn có những giống trà ngon phẩm chất vượt trội. Nổi tiếng nhất có thể kể đến trà Tà Xùa, Lũng Phìn, Hà Giang… Hai giống trà gắn bó với bao thế hệ và vô cùng nổi tiếng là trà cổ thụ cao sơn và trà shan (toàn bộ búp non được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng mịn như tuyết, có khi gọi là Chè tuyết hay Chè Shan tuyết).

Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Ngược dòng lịch sử, do nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của người Pháp khi xưa, cây trà được mang xuống Bảo Lộc (tên cũ là B’lao) vào thập niên 1930. Từ đồn điền của người Pháp, dần dà các trang trại, rẫy trà, vườn trà ra đời. Trên mảnh đất bazan màu mỡ, trải qua hơn 80 năm, ngày hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.

Với khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, Bảo Lộc được mệnh danh là “kinh đô trà” của Việt Nam. Cách Thành phố Đà Lạt 120km về phía Tây Nam, trà Bảo Lộc ngày nay là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, đặc biệt là dòng trà ướp hương và trà Ô long. Hương vị phố núi ngoài mứt, rượu vang, dâu tây, cà phê còn là cái tình đậm đà của những thức trà thơm ngon, tôn vinh nơi vùng cao đất đỏ.

Hà Nội - nơi sản sinh ra dòng trà ướp hương sen

Hà Nội tuy không trồng được trà nhưng vẫn góp mặt trong bản đồ của những người yêu trà, đó là vì những đóng góp vào giá trị văn hóa của trà Việt. Xứ kinh đô xưa là nơi sản sinh nên dòng trà ướp hương sen phủ Tây Hồ tinh tế, cầu kỳ, mộc mạc và rất đỗi nên thơ.

Trà sen phủ Tây Hồ nổi tiếng đã từ lâu. Nhiều nghệ nhân cao tuổi làm trà ướp sen với kinh nghiệm của hàng chục năm. Để có được một mẻ trà sen khô cần mất từ 15 - 21 ngày ủ và chế biến. Công đoạn làm trà, ủ hương vô cùng phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo cao.

Trà sen Tây Hồ đặc biệt nằm ở chỗ cái thanh tao, thuần khiết chứ không nồng nàn như những loại trà ướp hương khác. Uống một ngụm trà sen, cảm nhận cái hồn, cái cốt cách dân tộc không thể nào quên.

Uống Trà Thôi
(Theo Tạp chí kinh tế)
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết