Ý NGHĨA NGÀY TIẾP NỐI

Ngày tiếp nối là thuật ngữ được Sư Ông Nhất Hạnh đề xuất để thay thế cho sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhật của những người con Phật, đặc biệt là các vị xuất gia.
Trong tiếng anh, thuật ngữ “Continuation day” hay “Contago” trong tiếng Latin được hiểu là ngày tiếp tục của 1 thỏa thuận, 1 hiệp ước, 1 hợp đồng.
Vì sao người đời gọi là sinh nhật?
Vì người ta cho rằng đó là ngày 1 cô bé, 1 cậu bé được sinh ra. Chữ “sinh ra” (birth) thường được hiểu là từ không mà bỗng nhiên thành có; tương tự, chữ “chết” thường được hiểu là từ “có” rồi bỗng nhiên thành “không”.
Theo tuệ giác của nhà Phật, mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời không có cái gì là “sinh”- bỗng dưng từ không mà thành có; và không có hiện tượng gì là “chết”- từ có mà thành không cả.
Một đám mây, một chiếc lá cho đến một trận mưa rào cũng không hề bỗng nhiên sinh ra hay mất đi, mà đó chỉ là sự chuyển hóa từ hình thức này sang hình thức khác, giống như định luật bảo toàn năng lượng của vật lý hiện đại: “Vạn vật không tự nhiên sinh ra hay tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”.
Con người cũng vậy, ngày lọt lòng mẹ không phải là từ không mà thành có, và ngày về với đất mẹ vĩnh hằng cũng chẳng phải từ có mà thành không; chỉ là những cột mốc của sự thay hình đổi dạng, chuyển hóa từ dạng thức này sang dạng thức khác mà thôi.
Trước khi lọt lòng mẹ ta là ai?
Đâu thể nào ta xuất hiện từ hư vô như Tôn Ngộ Không sinh ra từ trứng đá được!
Ta đã là ta trong muôn kiếp luân hồi với bao phước báo tội nghiệp và nhân duyên, bao ân tình và thù hận từ muôn kiếp; để đến kiếp này ta gá vào thai mẹ và tiếp tục xuất hiện giữa cuộc đời như bao nhiêu lần xuất hiện khác.
Do vậy, sự sinh ra ấy, thực chất là sự tiếp tục, tiếp tục tái sinh, tiếp lục thừa hưởng nghiệp quả trong muôn kiếp luân hồi.
Phật dạy, trong mỗi chúng sinh, có sự truyền trao từ nhiều thế hệ tổ tiên, từ ông bà cha mẹ, tổ tiên huyết thống, và từ Chư Phật, chư tổ trao truyền hạt giống tâm linh.
Có khi bất chợt ta nhận ra trong ta có hạt giống siêng năng cần mẫn của cha ta, có hạt giống nhọc nhằn lam lũ của mẹ ta, có hạt giống ưa vui chơi rượu chè của ông cố ông vãi ta từ đâu nhiều kiếp trước.
Trong mỗi công dân đất Việt hào hùng, có sự tiếp nối trao truyền hạt giống thông minh sáng trí của vua Lý Thái Tổ, có hạt giống mạnh mẽ kiên cường của dũng tướng Trần Hưng Dạo, nhưng cũng có những hạt giống hèn hạ bán nước của những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc năm xưa.
Cũng vậy, trong ta có hạt giống thảnh thơi giác ngộ được truyền trao từ Đức Thế Tôn, có hạt giống ưa ẩn cư nơi chốn non bồng diễm ảo của Trần Nhân Tông, có hạt giống tươi cười hoan hỷ của Bồ tát Di Lặc, có hạt giống hiểu biết thương yêu và ban vui cứu khổ của bồ tát Quan Âm…
Sự tiếp nối, vì vậy, không chỉ là sự tiếp tục tái sinh trong vòng luân hồi vô tận, sự tiếp nối còn là sự truyền trao những hạt giống và phẩm chất huyết thống - tâm linh mầu nhiệm ngàn đời của sơn hà đại địa.
Trong ta có hạt giống của Thầy, hạt giống đó ta được thầy truyền trao qua suốt quá trình quy y học đạo, qua những buổi cùng tụng kinh tọa thiền nghe pháp, được thầy truyền trao trong những chuyến đi ủy lạo - từ thiện, để cùng thầy ban tặng niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời.
Trong thầy cũng có ta, học trò cũng trực tiếp hay gián tiếp truyền trao cho thầy những hạt giống trong ta. Có khi đó là hạt giống lãng tử, ham thích sự phiêu bồng, có khi là hạt giống của cứng đầu cố chấp, ích kỷ hơn thua; mà cũng có khi đó là hạt giống của tinh thân bao dung vô ngại; xả thân giúp đời, mở rộng bàn tay, sẻ chia giúp đỡ.
Ơn thầy vô lượng nhưng ơn trò cũng vô cùng; nghĩa thầy cao tựa thái sơn nhưng tình trò cũng sâu dường biển cả!

-Thích Quảng Tịnh-
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết