MỘT NHÀ CHỮA LÀNH THỰC THỤ

MỘT NHÀ CHỮA LÀNH THỰC THỤ

Tôi có kể với một người anh mai sau này tôi muốn trở thành một “Người chữa lành” bằng lòng trắc ẩn của mình. Sau đó anh có nói tôi xem bộ phim “ Midnight dinner – Quán ăn nửa đêm”, ban đầu tôi không có ý định xem vì nó là phim bộ và cũng đã lâu rồi tôi không xem phim. Nhưng nhờ sự thuyết phục nhiệt tình của anh nên tôi đã dành thời gian xem phim.Và, thế giới quan của tôi đã có phần thay đổi trong góc nhìn về “ Người chữa lành” từ sau khi xem bộ phim đó, sau khi đọc quyển sách gối đầu giường của tôi và cũng là sau chuyến đi trở về từ làng Zen.

“Quán ăn nửa đêm” là bộ phim nói về một quán ăn nhỏ cũ kỹ chỉ mở cửa từ lúc nửa đêm cho tới 7h sáng ngày hôm sau. Vị chủ quán sẽ nấu bất kỳ món ăn nào mà vị khách của mình yêu cầu nếu như ông ấy có đủ nguyên liệu. Những vị khách tới đây đều nhờ ông nấu những món ăn tuổi thơ hay những món ăn kỷ niệm cùng với một ai đó. Ông ấy đối đãi với mọi người rất công bằng, ông không bao giờ dùng thái độ hay những lời phán xét đối với vị khách của mình dù họ có tốt xấu đến đâu. Quán ăn này đặc biệt vì ở đây hội tụ rất nhiều kiểu người theo thước đo của xã hội. Từ những người tốt cho tới người xấu, từ những người giàu cho tới người nghèo đều đủ cả. Đây là nơi họ có thể an tâm cởi bỏ lớp áo phòng vệ ngoài kia để được trở về với bản chất chân thật của chính mình. Họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nhưng họ vẫn có thể ngồi xuống để trò chuyện cùng nhau.

Ông dụng tâm để nấu ăn, những món ông nấu rất giản dị nhưng cũng đủ khơi dậy những ký ức trong họ để họ có thể được chữa lành và nó cũng chính là những mắt xích gắn kết các mối quan hệ đã lâu ngày không gặp hay những mối quan hệ đang có xung đột với nhau. Trước khi đến với quán ăn những vị khách này đa phần đều là những người xa lạ, khi gặp nhau ở đây họ cùng nhau trò chuyện và giúp đỡ lẫn nhau trong khả năng của mình mà không ngần ngại điều chi. Quán ăn này ông không dùng nó với mục đích kinh doanh, vì ông rất tinh tế trong việc quan sát các vị khách của mình và tặng miễn phí một món ăn phù hợp với người đó trong hoàn cảnh họ cần được chữa lành.

Tôi nhận ra ông rất giống với một vị Đạo Sư, ông thông thái trong việc đối đãi với mọi người xung quanh. Ông cũng tinh tế trong việc chọn thời điểm thích hợp để chữa lành, đó là khoảng thời gian cuối ngày sau một ngày làm việc áp lực và mệt mỏi, có những con người họ không muốn về nhà ngay mà muốn dừng chân tại một nơi nào đó. Họ chọn quán ăn của ông là nơi lấy lại nguồn năng lượng để chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Nói đến đây tôi thấy có phải quán ăn này cũng tương đồng với Zen hay không ? Là nơi những con người xa lạ lần đầu tiên gặp mặt nhau, nhưng có thể cùng nhau ngồi nói chuyện, giãi bày nỗi niềm, nâng dậy tâm hồn nhau bằng những sẻ chia chân thành. Làng Zen cũng là nơi ta tạm thời dừng chân tiếp nạp thêm nguồn năng lượng để chuẩn bị cho hành trình ở phía trước vững trãi hơn, trưởng thành hơn.

Vị chủ quán đó đã dụng tâm dùng món ăn làm phương tiện chữa lành cho người khác. Việc cho đi đó chính là cách ông thể hiện tình yêu đối với con người. Vậy ông ấy đã cho đi điều gì thế ? Ông ấy đã cho người khác sự bình an, tình thương rộng rãi và sự tử tế thiện lành mà không màng đến việc có nhận lại được gì. Thực ra khi ta cho đi, thì cuộc sống sẽ luôn đáp lại. Đó là quy luật gieo hạt. Và kể cả ta không nhận lại được gì thì cũng đâu có sao.

Vậy để trở thành một nhà chữa lành hay một người phụng sự cộng đồng thực thụ trước tiên ta phải trở thành một con người bình an, hạnh phúc và sáng trong là chính ta. Thứ quý giá nhất mà ta có thể trao tặng cho đời chính là sự tiến hóa trong nội tâm của chính mình. Nhờ đó ta có thể làm bất kỳ công việc gì đều có thể chữa lành với điều kiện công việc đó là con đường để mang đến cho đời những hoa trái thiện lành. Dù đó là việc pha trà, trồng cây, cắm hoa ,… hay những công việc lớn lao hơn nữa là sự nghiệp của ta thì ta cũng nên đặt hết tâm mình vào công việc đó. Hãy hào phóng, hãy mang đến cho thế giới một món quà mà không ai khác có thể thay thế ta: Đó là chính mình. Vậy hãy trở về với chính mình, ôm ấp cuộc đời mình và yêu thương lấy nó. Khi ta yêu thương được ta, ta sẽ yêu thương được người khác.

Nữ nhà văn Ruby Nguyễn có từng nói: Trên con đường tu tập để tiến hóa hơn về mặt tâm linh, không có một tiêu chuẩn cố định nào để đánh giá ai đó đã tiến hóa hay chưa. Mỗi người đều có hành trình cá nhân riêng biệt. Chỉ cần ta của ngày hôm nay trưởng thành hơn ta của ngày hôm qua 1% thôi ta cũng đã có cả bài học quý giá của sự dịch chuyển 1% ấy để đóng góp, để sẻ chia, để phụng sự rồi đó. Ta đâu cần đến đích rồi mới có thể giúp được một ai đó. Chỉ cần ta đi trước họ một bước và sẵn lòng quay lại chìa tay ra để nắm lấy tay họ, nâng đỡ họ đấy cũng là một sự phụng sự lớn lao rồi.

Biết ơn những nhân duyên lành đã giúp tôi thấy rõ hơn con đường mình đi ở phía trước.

 Zenner:

- Cái Ly -

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết