LUYỆN TÍNH KIÊN NHẪN ĐỂ BÌNH TĨNH SỐNG TRONG THỜI KỲ “BÌNH THƯỜNG MỚI”

Luyện tính kiên nhẫn để bình tĩnh sống trong thời kỳ “bình thường mới”
Thời kỳ “bình thường mới” (New Normal) từ hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để rèn luyện tính kiên nhẫn của bản thân hay sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, tất cả tùy theo thái độ sống mà bạn lựa chọn.

Đại dịch đến nay không còn là một điều mới lạ nữa. Chúng ta đã trải qua một năm dài trong cuộc khủng hoảng cùng sự bế tắc này, và nó đã – đang ảnh hưởng đến từng người.

Mọi người ít nhiều đều nếm trải sự buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức. Ai cũng cảm thấy như mang một gánh nặng trê vai và không thể đợi đến ngày nó kết thúc. Chúng ta mất kiên nhẫn và muốn làm bất cứ điều gì khác ngoài việc ngồi đếm từng ngày để những bất ổn qua đi.

Điều đó hoàn toàn bình thường. Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, trước những cam kết dài hạn, với những dự án dang dở và những thách thức lâu dài. Mọi thứ trở nên nhàm chán, buồn tẻ, mệt mỏi, nặng nề.

Làm thế nào để đối mặt với khó khăn này và thay đổi nó từ bên trong?
Liệu ta có thể học cách không mệt mỏi với những thử thách dài hạn hoặc không còn nhìn chúng như những gánh nặng nhàm chán? Liệu ta có thể tìm thấy niềm vui trong sự kiên nhẫn?

Làm thế nào để đối mặt với khó khăn này và thay đổi nó từ bên trong?

Thay đổi thái độ như thế sẽ mang lại một số lợi ích:

Chúng ta có thể chịu đựng những thử thách lâu dài, trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm.
Ta có thể hình thành những thói quen lâu dài, thay vì bỏ thói quen mới chỉ sau vài tuần.
Mình sẽ kiên nhẫn hơn đối với những người thường làm mình mệt mỏi hoặc căng thẳng.
Chúng ta sẽ ít bị kiệt sức bởi những thứ đè nặng hoặc làm phiền mình về lâu dài.
Nhìn chung, mỗi người sẽ tăng khả năng thích ứng, lòng kiên trì và sự kiên nhẫn. Những lợi ích đó thật đáng để đánh đổi!

Trong cái rủi có cái may, sự chán nản, mệt mỏi từ đại dịch sẽ là một thao trường hoàn hảo. Đây là lúc để luyện tập, ngay khi chúng ta cảm thấy không muốn đối mặt với những khó khăn này.

Như vậy, ta sẽ làm điều đó như thế nào?

Trước tiên, hãy tìm lý do tại sao những tình huống này lại thử thách sự kiên nhẫn của chúng ta, sau đó là cách giải quyết chúng trong tình huống hiện tại.

Tại sao tình huống khó khăn thử thách tính kiên nhẫn?
Nếu nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy không có tình huống nào chúng ta phải đối mặt vốn dĩ là một tình huống khó. Chính chúng ta cảm thấy như thế mà thôi.

Ví dụ: Bạn phải ngồi trong phòng không có thiết bị nào để kết nối với thế giới bên ngoài, không có gì để đọc, không có gì để làm… trong hai tuần. Hầu hết mọi người sẽ thấy điều này tẻ nhạt, nhàm chán, mệt mỏi. (Không phải tất cả mọi người, nhưng hầu hết!) Tại sao lại thế?

Một căn phòng trống không có gì xấu. Nó không tồi tệ hơn bất kỳ tình huống nào khác – ngoại trừ việc chúng ta làm cho nó tồi tệ hơn, bằng cách quyết định rằng nó không vui, không thú vị.

Đó là quyết định của chúng ta. Chúng ta tự tạo ra trải nghiệm buồn chán, gánh nặng, khó khăn.

Nhưng đây cũng chính là tin tốt: Nếu ta tạo ra trải nghiệm, ta cũng có thể thay đổi nó. Mỗi người đều có sức mạnh để chiến thắng sự buồn chán, mất kiên nhẫn, đè nặng, khó chịu, thất vọng.

Sự thay đổi này xuất phát từ việc ta buông bỏ những suy nghĩ về tình huống đang tạo ra trải nghiệm khó khăn.

“Nhưng đây thực sự là nhàm chán và bực bội, không phải là tưởng tượng của tôi!”. Bạn có thể nghĩ thế.

Tại sao tình huống khó khăn thử thách tính kiên nhẫn

Không, không phải vậy! Trong thực tế, cuộc sống là vậy. Thế giới này vốn vận hành như vậy. Tất cả chỉ là các phân tử và năng lượng. Chúng ta quyết định điều gì xấu hay tốt. Chúng ta có thể thoát khỏi hai thái cực đó.

Nếu chúng ta buông bỏ những niềm tin, câu chuyện và suy nghĩ về tình huống, thì điều đó không tốt hay xấu. Đó chỉ là cuộc sống. Và thật ra, chúng ta có thể tạo ra một quan điểm mới, rằng việc được sống, được chứng kiến ​​vũ trụ như thế này, được kết nối với những sinh vật sống khác là một điều kỳ diệu. Đó là điều đáng để biết ơn. Hoặc chúng ta chỉ trải nghiệm mọi việc, không có suy nghĩ và tường thuật.

Điều đó tùy thuộc vào mỗi người. Bạn có thể vận dụng cách suy nghĩ và trải nghiệm này.

Sử dụng khủng hoảng để rèn luyện tính kiên nhẫn
Dùng chính tình huống khủng hoảng để rèn luyện tính kiên nhẫn là một cách biến hóa thông minh để phù hợp với thời cuộc. Nói cách khác, “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bồn chồn, buồn chán, mệt mỏi, thất vọng, không vui, kiệt sức với hoàn cảnh… hãy vui vẻ đón lấy cơ hội thực hành.

Hãy để bản thân tìm thấy vẻ đẹp trong việc rèn luyện.

Hãy nhìn vào hoàn cảnh xung quanh bạn và hỏi: “Tại sao điều này lại khiến tôi bực bội hoặc mệt mỏi? Tại sao tôi không thích nó?”.

Hãy xem những suy nghĩ nảy ra. “Tôi chỉ muốn đại dịch này kết thúc. Tôi chỉ muốn gặp một ai đó. Tôi chỉ muốn đến nhà hàng yêu thích của tôi. Tôi không thích phải ở nhà”.

Lưu ý rằng đa phần các suy nghĩ đó là về những gì bạn muốn hoặc không muốn, những gì bạn thích hoặc không thích. Đây là việc ta đi theo con đường của mình – và luôn muốn theo cách của mình.

Liệu chúng ta có nhất thiết phải đi theo con đường của mình, hay là ta có thể yêu mọi thứ đúng như bản chất của chúng?

Hãy nhìn xung quanh và nhìn thấy vẻ đẹp trong thời điểm này. Hãy nhìn ra những điều kỳ diệu khó tin của cuộc sống và thế giới xung quanh chúng ta. Hãy cảm nhận mối liên hệ với tất cả những con người khác, với tất cả chúng sinh, trong mọi thứ bạn thấy.

Hoặc hãy chỉ trải nghiệm khoảnh khắc này mà không suy nghĩ gì. Chỉ tập trung vào cảm giác của bạn trong thời điểm này. Khi bạn cảm thấy chán nản, đấy cũng là cơ hội để trải nghiệm cảm giác đó mà không cần phán xét chúng.

Đây là cách rèn luyện tính kiên nhẫn. Và với sự rèn luyện, chúng ta có thể tăng năng lực kiên nhẫn của mình – hoặc tăng thêm sự chán chường khi không đạt được điều mình muốn.

Trong hai con đường đó, bạn sẽ chọn con đường nào hôm nay?

Nguồn tham khảo

A Guide to Dealing with the Growing Tiredness & Boredom of the New Normal https://zenhabits.net/uggh/
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết