Thác Vực Song, Vực Hòm

Thác Vực Song, Vực Hòm - 2 “gành đá đĩa” trên rừng núi Tuy An
Kết cấu kiểu Gành đá đĩa (xã An Ninh Đông, Tuy An, Phú Yên) khá hiếm gặp trên thế giới, nhưng ngay tại huyện Tuy An lại còn có những “gành đá đĩa” khác, và ở trên rừng chứ không phải dưới biển: thác Vực Song – Vực Hòm. Đây là 2 ngọn thác tương đối nhỏ, cùng nằm trên một con suối, cách nhau khoảng 1,5km trên đất xã An Lĩnh, vùng rừng núi phía Tây huyện Tuy An. Theo dòng chảy, thác Vực Song ở phía trên, thác Vực Hòm ở phía dưới.

Vực Hòm với 2 vòi thác tuôn nước xuống

Lữ Phong biết đến 2 ngọn thác này từ những người bạn ở Qui Nhơn khi họ khám phá các danh thắng đất Tuy An. Tiện hành trình khám phá những “gành đá đĩa” trên đất Bình Định ở mãi vùng cao Vĩnh Thạnh, Lữ Phong dành thêm 1 ngày, một mình một ngựa từ Qui Nhơn xuôi Nam tìm đến những “gành đá đĩa” trong vùng rừng núi Tuy An.

Đi vào nửa cuối tháng 6 giữa mùa khô, kinh nghiệm ở thác đá đĩa Hữu Nha trên Vĩnh Thạnh (Bình Định) khiến Lữ Phong hiểu rằng, ở thác Vực Song – Vực Hòm cũng sẽ cạn nước như thế (và nửa năm sau, y phải quay lại nơi này lần nữa để ngắm hai ngọn thác mùa nước lớn)

Từ Qui Nhơn đi Vực Song – Vực Hòm có 2 đường: tới thị trấn Chí Thạnh trên QL1A thì rẽ vào đường ĐT543 rồi tiếp tục theo những con đường liên xã khoảng hơn 20km sẽ đến Vực Hòm trước, nhưng đường rắc rối dễ lạc; hoặc xuôi Nam theo QL1A tới tận ngã ba Hòa Đa, rẽ phải theo đường ĐT643 lên hướng cao nguyên Vân Hòa rồi rẽ vào An Lĩnh thì dễ đi hơn (bởi được các bạn đã đi trước vẽ lại đường cho). Lữ Phong quyết định lúc đi sẽ xuôi xuống Hòa Đa đi ngược lên, lúc về sẽ tìm đường ra Chí Thạnh cho gần.

Từ ngã ba Hòa Đa rẽ lên ĐT643 được 13km, bên phải đường có lối rẽ vào rừng, thời điểm 6/2020 còn đường này đang được san ủi để làm đường bê tông. May là mùa khô, chỉ bụi mù khi xe chạy qua, chứ vào mùa mưa là nhọc nhắn lắm với mấy km đường này vào tới thác Vực Song.

Đường từ ĐT 643 vào thác Vực Song đang được làm

Qua vài km đường đất đang an ủi, vào đến xã An Lĩnh, Lữ Phong dừng xe, vào một nhà dân hỏi đường vào thác, thì được biết thác ngay trong khu dân cư này, y được chỉ đường mòn chạy xe máy vào tận đỉnh thác, bởi lúc này đang mùa khô.

Cập nhật: vào thời điểm tháng 1/2021 trở lại Vực Song (bằng đường từ Chí Thạnh vào), được nghe dân địa phương báo rằng con đường đất này đã được đổ bê tông xong xuôi.

Giữa mùa khô, chỉ còn là một lạch nước nhỏ xíu tí tách chảy ở miệng thác

Lữ Phong để xe bên bờ suối. Mùa khô, con suối chỉ là một bãi đá lô nhô, thỉnh thoảng có một vài vũng nước đọng lại giữa các hốc đá. Y sải bước giữa lòng suối khô khoảng 100 mét thì tới đỉnh thác Vực Song. Ngọn thác này thực ra rất thấp, chỉ khoảng gần 10 mét mà thôi, nhưng vách thác dựng đứng hình vòng cung, và Lữ Phong lại thấy hình ảnh gành đá đĩa ở ngọn thác này rất rõ ràng: những trụ đá xếp ken kín vào nhau dựng đứng tạo thành vách thác.

thác Vực Song, Vực Hòm Phú Yên
Đường vào chân thác Vực Song nhiều đá tảng lớn và bụi cây rậm

Lữ Phong trở ra lấy xe vòng xuống lối đi chân thác, y gửi xe lại chỗ nhóm thợ rừng đang hạ những cây keo làm nguyên liệu giấy, rồi vạch lá leo theo theo lối mòn dốc đứng để xuống dưới chân thác. Đường tuy không dài nhưng khá ngoằn ngoèo và dễ té ngã, bởi lổn nhổn những khối đá lớn ngổn ngang chồng lên nhau.

Thác Vực Song thấp, các trụ đá chen sát nhau dựng đứng tạo thành vách thác

Quay trở lên hỏi đường sang thác Vực Hòm, được mấy người thợ rừng hướng dẫn rất chi tiết – rồi tới lúc đi thì thấy dễ thật, bởi đường từ Vực Song sang Vực Hòm chính là con đường liên xã, sẽ chạy ra tới gần thị trấn Chí Thạnh ngoài QL1A ở phía Bắc. Đường chim bay thì hai thác chỉ cách nhau khoảng 1.5km, nhưng chim … đi xe máy thì gần 3km mới đến. Khoảng nửa cây số cuối cùng là đường dốc xuống khá cắm, và quan trọng là toàn đá lổn nhổn như quả bưởi, nếu không cứng cựa về tay lái, đảm bảo là nên gửi xe nhà dân mà đi bộ cho lành cả người lẫn xe.

Nhưng Lữ Phong thì không sợ những con đường kiểu này, con ngựa sắt nhảy tưng tưng xuống dốc, đưa y vào tới tận chân thác Vực Hòm.

Thác Vực Hòm cũng có kết cấu gồm nhiều trụ đá dựng đứng ken sát thành vách thác.

Cũng như ở thác Vực Hòm, lạch nước ở Vực Song mỏng tang tí tách rỏ xuống

Mùa khô, thác cạn nước, nhưng cũng như ở thác Vực Song, hồ nước dưới chân thác Vực Hòm trong xanh như ngọc bích. Thác Vực Hòm cũng thấp, nhưng cao hơn thác Vực Song một chút, chắc khoảng 15 mét, và lòng suối chụm thấp lại như đáy chữ V để đổ nước xuống bên dưới. Vách thác ở đây cũng y hệt gành đá đĩa, cấu tạo bởi vô số trụ đá nhỏ xếp dọc cạnh nhau.

Có một vài khoảng trống tương đối bằng phẳng để có thể dựng lều bên hồ Vực Song

Khác với hồ nước ở thác Vực Song đầy đá khối cỡ lớn ngổn ngang, không có mặt bằng, ở thác Vực Hòm cạnh hồ nước là bãi đá khá thoáng rộng, có thể tập trung sinh hoạt nhóm, tuy nhiên cũng chỉ có một số khoảng nho nhỏ tương đối bằng phẳng và mặt bằng là sỏi nhỏ, có thể dựng vài chiếc lều.

Sau khi đã tự mò đường vào tận 2 con thác có kết cấu “gành đá đĩa” trên đất Tuy An, trúng giữa mùa khô, được cái trời xanh nắng vàng và hồ nước trong xanh như ngọc bích, nhưng Lữ Phong dĩ nhiên không thể vừa lòng với điều đó. Nửa năm sau, đầu tháng 1/2021, nhận được tin nhắn từ các anh chị bạn ở Qui Nhơn rủ đi hai con thác này mùa nước lớn, y lập tức nhận lời, tức tốc ra Qui Nhơn theo lịch hẹn.

Bởi lần trước Lữ Phong đã chạy xe máy từ thác Vực Hòm theo đường liên xã trở ra Chí Thạnh để nhập QL1A về Qui Nhơn, đã biết tình hình đường sá khá tốt, nên chuyến này cả nhóm chạy xe hơi về Tuy An cho khỏe, cũng vào được cách mỗi thác vài trăm mét, còn lại đi bộ. Vì đi từ Chí Thạnh vào, nên tới thác Vực Hòm trước.

Sang thác Vực Song, mọi người chỉ xuống chân thác, bởi đi xe hơi mà muốn lên đỉnh thác thì phải đi bộ khá xa do xe không vào được như xe máy. Mà dịp tháng 1 dương lịch, Phú Yên trời xầm xì, mưa liên tục, những con đường trong làng An Lĩnh đều lấp xấp bùn, lội bộ khá … phức tạp.

Mất hơn nửa năm, với 2 lần đến cụm thác Vực Song – Vực Hòm, Lữ Phong mới được chứng kiến đủ trạng thái của chúng. Mùa khô thì trời xanh, hồ xanh, nhưng thác không có nước. Mùa mưa thì nước cuồn cuộn tuôn, tung bọt trắng xóa, nhưng trời xám xịt vì mây.

Về sau, Lữ Phong vẫn còn qua lại hai ngọn thác khi có đủ thời gian, tuy nhiên y chỉ giới thiệu với những người bạn có gu khám phá và không ngại cuốc bộ hay lội bùn để xem thác, tắm thác.

Và y nhận ra rằng, vào khoảng tháng 3 dương lịch, cắm trại và tắm thác ở Vực Hòm rất tuyệt. Lúc này nước trên thác vẫn còn đủ nhiều để thác còn là thác, nhưng không còn dữ dội, để nước dưới hồ đã trở nên trong xanh rồi.

Tác giả: Ngô Hòa Nam
Thác Vực Song, Vực Hòm
Thác Vực Song, Vực Hòm
Vực Hòm - Nhìn từ trên cao
Thác Vực Song, Vực Hòm
Vực Song
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết